(Truyện ngắn đăng trên tạp chí “Mẹ yêu bé” số ra ngày 2-10-2012)
1.
Huấn không bất ngờ lắm khi nhận được email của Linh, từ Mỹ.
“Ngày mai em sẽ đi đăng kí kết hôn. Đừng chờ em nữa. Mong anh thứ tha, đừng buồn em tội nghiệp.”
Huấn đứng dậy pha cho mình ly cà phê đen đậm đặc, thẫn thờ nhìn lên màn hình. Những con ngắn ngủi tưởng chừng vô tri giác như thanh tre vót mỏng cứa đi cứa lại trên vết thương chưa kịp lành. Anh nhắm mắt, thở dài. Mới có một trăm tám mươi ngày thôi mà Linh, sao em thay đổi nhanh vậy sao? Những lời hứa ngày ra đi giờ lạc ở đâu? Sáu năm yêu đương chẳng còn gì nữa sao em?
Anh xin nghỉ làm, tắt điện thoại, xin phép má, cầm ít tiền, mua vé tàu ra Nha Trang chơi cho khuây khỏa. Anh về thăm lại chốn cũ, cái ngày hai đứa là sinh viên, anh khoa Sử, Linh khoa tiếng Anh, tranh thủ những chiều cuối tuần, mua vé xe đò, trốn gia đình, chạy ra đây ngắm sóng. Tiền bạc eo hẹp, ăn vỉa hè, ngủ nhà nghỉ, mướn chiếc xe đạp ở phố Tây, hai đứa đèo nhau đi khắp phố biển. Ghé Hòn Chồng, ngồi hàng giờ bên tảng đá in đậm dấu tay của ông khổng lồ, dõi mắt nhìn về vùng biển rộng, để những sợi tóc thơm ngào ngạt, nương theo gió biển, phả lên khuôn mặt chữ điền rắn rỏi của anh.
2.
– Bữa giờ anh đi đâu mà không bắt máy?
– Anh đi Nha Trang. Có gì hông em?
Linh ngập ngừng trong điện thoại.
– Anh có nhận được email của em không?
– Có.
– Sao anh không trả lời?
– Anh thấy không cần thiết.
– Em chỉ lo có chuyện không hay xảy ra.
– Chẳng có gì đâu em. Anh đủ lớn để biết mình đang làm gì.
– Anh vốn biết em sợ những lúc anh lặng im không nói. Vậy mà…
– Em muốn anh phải làm gì? Khóc bù lu bù loa, rồi điện thoại qua Mỹ năn nỉ em đừng rời xa anh à?
Linh im lặng. Anh nghe tiếng cô thở dài, run run và tiếng nấc nghẹn phá vỡ sự ngột ngạt giữa hai người.
– Mong anh hiểu cho em. Em giờ hai mươi bốn, học xong đã ba mươi. Lúc đó anh bảo em phải làm gì? Quay về Việt Nam để làm lại từ đầu, chạy ngược xuôi xin việc với cái bằng đại học Mỹ, không kinh nghiệm, không tiền. Con trai như anh dễ bay nhảy, con gái tụi em, ba mươi tuổi đã lỡ thì mất rồi. Làm lại từ đâu ư? Không thể!
– Có ai bắt biểu em phải rời xa nơi này để du học đâu mà giờ em than? Anh đủ sức lo cho em mà.
– Nhưng…
– Chồng em là ai thế?
– Anh Khương, làm chung tiệm.
– Yêu đương nhanh quá!
– Không hẳn là vậy. Ảnh hứa giúp em làm mọi thủ tục bảo lãnh. Khi có thẻ xanh em có thể xin trợ cấp của chính phủ để đi học.
– Tùy em. Mong em hạnh phúc với quyết định của mình.
Huấn tắt máy. Khóa tài khoản email. Mua sim điện thoại mới, cất cái cũ vào trong ngăn kéo cùng với thư từ, hình ảnh, kỷ niệm những ngày còn yêu nhau. Anh muốn tất cả nằm im đó, muốn Linh mãi mãi biến mất ra khỏi đời sống mình, để những nỗi đau tình không còn vương vấn. Thỉnh thoảng, nghe má nói, Linh có điện thoại về nhà xin số nhưng má không cho.
– Lần sau cổ có gọi về má nhớ đừng bắt máy.
– Thì tao nói chuyện có sao đâu. Hỏi thăm tin tức thôi mà.
3.
Linh xuống taxi, ngập ngừng đứng trước quán. Sáng nay ghé nhà, dì Hai mở cửa. Nhìn má Huấn, cô khóc điếng. Nhận ra người yêu cũ của con trai, dì nửa mừng, nửa giận. Mừng vì đứa con gái dì coi như con ruột sau mấy năm không gặp giờ đứng trước mặt nước mắt vắn dài. Còn giận vì sự phản bội của nó đã làm thằng con trai độc nhất của mình thay đổi. Huấn trở thành một người khác, trầm ngâm, ít nói nhưng cộc cằn và nóng nảy. Nhìn con vật vã trong niềm nhớ khôn nguôi, thân làm mẹ chẳng giúp được gì làm lòng dì quặn thắt. Huấn quyết định rời Sài Gòn, ra Nha Trang lập nghiệp. Thương con, lẳng lặng theo cùng để mẹ con nương tựa lẫn nhau.
Linh bước vô. Chưa tới giờ ăn trưa nên quán vắng tanh, lèo tèo vài người khách.
– Dạ chị đi một mình ạ?
– Đúng rồi em.
– Chị gọi món ăn chưa?
– Cho chị một ly cam vắt. À, anh Huấn có ở đây không em?
– Dạ ảnh đang ở dưới bếp.
– Em nói Huấn là có người quen cần gặp nhen.
Cô lơ đễnh nhìn quanh. Những vệt màu xanh biển tung bọt trắng xóa của giấy dán tường gợi lại trong cô một vùng biển hoang vu nào đó của thuở mới yêu nhau, nồng nàn, say đắm. Gió biển từ khơi xa, len lỏi qua những khu nhà cao tầng, khách sạn năm sao dọc đường Trần Phú, chui vô căn hẻm rộng, mang theo vị mặn của sóng, vị ngọt của rong rêu, tanh tanh của cá mắm, như một thứ đặc sản quê nhà không nơi nào có được.
– Ai tìm anh đâu?
Nghe giọng nói ấm áp không lẫn vào đâu được, Linh quay lại, mắt chạm nhau. Như một tia điện chạy xẹt qua người, Huấn thảng thốt, ngỡ ngàng rồi nhào tới, muốn ôm chầm lấy cô. Sực nhớ điều gì, anh dừng lại. Linh của anh, mối tình đầu say đắm của thời trẻ trai, anh nhớ, anh thương sau sáu năm trời cách biệt, giờ bằng xương bằng thịt đứng trước mặt thì làm sao bình tĩnh cho được.
Linh thấy anh nhoẻn miệng cười. Linh thấy anh hân hoan lẫn chút buồn khó tả. Linh thấy tóc anh lưa thưa điểm bạc. Linh thấy những vết nhăn hằn sâu trên đuôi mắt dàu dàu. Linh thấy đau. Nỗi ân hận, chát chua dày xéo lòng mình.
Linh òa khóc.
4.
Chiều muộn lướt nhẹ lên phố biển. Nắng vàng dìu dặt, nhảy múa trên mái tóc dài nhuộm màu nâu nhạt của Linh. Trời trong veo, không một gợn mây, xanh thẫm. Những con sóng vẫn lặng lẽ vỗ bờ ngơ ngác. Họ ngồi đó, bàn ngoài cùng, nhìn ra biển, lặng im như hai pho tượng. Cà phê nhỏ từng giọt đều, đậm đặc. Nơi này hình như chẳng có gì thay đổi, dù hơn chục năm từ ngày họ đến. Vẫn quán cà phê Bốn Mùa chạy dọc đường Trần Phú, ly tách cũ kĩ và phong cách phục vụ của những năm hai ngàn. Thế mà khách vẫn đông, bởi quán có được cái view đẹp, thoáng đãng nhất thành phố.
Cả hai lơ đãng nhìn quanh. Chạm nhau, thẹn thùng quay đi chỗ khác. Cô nhận ra Huấn ít nói hơn ngày cũ. Mắt anh không oán hờn, trách móc, cũng chẳng phải thương hại, sẻ chia, nó man mác như thế nào đấy.
Lúc này, dường như chỉ có một biên kịch tài hoa mới viết nổi một câu đối thoại bằng lời. Nói gì bây giờ? Kể cho anh nghe chuyện đời trong mấy năm xa quê để kiếm tìm tí lòng thương hại? Chuyện cô vội vã chấp nhận lập gia đình với Khương để cầm cái thẻ xanh hai năm trong tay, hợp thức hóa ở lại nước Mỹ. Rồi hai vợ chồng cơm không lành, canh không ngọt bởi sự chênh lệch tuổi tác và cái “mục đích” khi đến với nhau. Đứa con sinh ra không đủ sức níu kéo rạn vỡ trong gia đình khi mọi thứ đã rệu rã từ những ngày đầu khi tình yêu không tồn tại. Và cô phải là người ra đi. Không nghề nghiệp ổn định, lương bổng không đủ sống, tòa giao Khoa cho Khương nuôi dưỡng, cô được phép ở với con hai ngày cuối tuần. Cô khụy xuống khi nghe quan tòa tuyên án. Những giọt nước mắt lăn dài trên đôi mắt thâm quầng vì bao đêm dài không ngủ. Nhưng khóc để làm gì khi luật pháp nơi này không gắn chặt với tình thương.
Trời ơi, con của tôi mà, sao người ta lại nỡ lòng nào chia cắt tình mẫu tử?
Mỗi chiều thứ sáu, Linh lái xe tới nhà chồng, đón con về hủ hỉ. Khoa hay đứng vén rèm cửa sổ, nhìn ra đường, thấy chiếc xe quen thuộc chạy tới, lật đật chạy đi lấy dép, vác ba lô, nôn nao đứng chờ tiếng gõ cửa rồi nhào vô lòng Linh mừng rỡ. Hai ngày cuối tuần ít ỏi, cô nghỉ làm dù tiệm đông khách, chỉ để được nghe thằng bé nói cười, nũng nịu mỗi đêm. Rồi chiều chủ nhật, Linh đứng ngay hàng rào, nước mắt lăn dài khi Khương tới đón con. Khoa dùng dằng không chịu đi. Khoa ngoan, về với ba nhen, ít bữa nữa má tới chở con về với má.
Bỗng dưng Linh thấy chiều hôm nay buồn hiu buồn hắt, buồn như cắt dạ, cắt tim, không phải là những chiều Huấn đi chiếc Max màu xanh nước biển tới cổng trường đón cô về, rồi hai đứa tung tăng đi giữa phố phường, ghé hàng quán ăn vài món quen thuộc. Linh hay ăn bò bía, Huấn thích bột chiên, muốn chiều lòng nhau phải ăn cái món mình hổng thích. Cũng hổng phải những chiều đi làm về, basement mướn một tháng bốn trăm đô bao luôn điện nước vắng lặng, một mình, không có chái bếp, ngõ sau, cũng không có khói lam chiều bảng lãng, để cô đứng đó trông về quê mẹ. Chỉ có tiếng còi tàu từ xa vọng lại, và đàn quạ vỗ cánh bay làm rơi những bông tuyết trắng tinh, lạnh lẽo trên cành cây trơ trụi lá. Cô thèm có một người để mình gọi bằng chồng, thèm có con bên cạnh, chạy quanh kêu má má. Linh vô bếp, nấu một bữa cơm nóng hổi, dọn lên, cằn nhằn sao chồng hổng chịu rửa tay cho sạch, mà ngồi vô bàn liền.
Đôi lúc quẫn quá Linh muốn bỏ hết để về. Nhưng rồi làm gì để sống khi mọi thứ dở dở ương ương. Rồi Tùng, Tuấn vẫn còn ngồi trên giảng đường đại học, tháng nào cũng chờ sự giúp đỡ của cô. Còn Khoa nữa. Trời ơi, cô đâu bỏ con cho đành. Linh muốn tiếp tục học kiếm cái bằng, tìm một công việc ổn định để có thể xin tòa cứu xét lại tình trạng tài chính mà giao Khoa lại cho mình. Nhiều lúc cố gồng mình lên để chịu đựng, ít nhất sống cho gia đình và tương lai của Khoa. Cố hoài, cố mãi, chông chênh những ngày tuổi ba mươi.
Linh thấy mình già cỗi.
5.
Chuông điện thoại reo. Anh liếc nhìn màn hình rồi xin lỗi cô ra xa nói chuyện. Chưa đầy một phút, anh quay lại.
– Ai thế anh?
– Thủy. – Anh ngập ngừng.
– Bạn gái của anh?
– Không hẳn.
– Cô ấy yêu anh?
– Hình như là thế.
– Anh có yêu cô ấy không?
– Anh không biết. Mà sao tự nhiên điều tra kĩ vậy? Em đang ở đâu?
– Dạ em ở khách sạn gần đây. Mốt em về lại Sài Gòn.
– Bao giờ em về bên kia?
– Hai tuần nữa anh à.
– Em học xong chưa?
– Em nghỉ học từ khi có bầu.
Huấn bật quẹt, đốt một điếu con mèo, thả khói phì phèo về phía biển.
– Anh hút thuốc từ khi nào?
– Từ lúc bị thất tình.
Linh cúi mặt, mím chặt môi. Gió thổi. Lá phượng vĩ bay bay, rơi trên triền tóc rối. Anh chồm tới đưa tay gỡ xuống, để lên bàn. Gió vẫn thổi, những sợi tóc dài chạm vào mặt anh. Bỗng Huấn thèm sờ lên mái tóc dài, mơn trớn trên hai gò má thon thả, rồi nhẹ nhàng đặt lên đó nụ hơn phơn phớt như thuở mới yêu nhau lúc Linh hay ngồi trong lòng, để hương tóc thơm mùi bồ kết nồng trên đầu mũi. Mà Linh bây giờ đâu còn là Linh của ngày xưa, không thuộc về anh nữa, cũng như khuôn mặt mộc đâu còn hiện hữu, lớp phấn son đắt tiền che bớt vết nám lờ mờ của tuổi tác, hằn sâu.
Chẳng biết Huấn có thù ghét và căm hận gì Linh không kể từ lúc cô bỏ rơi anh sau sáu tháng đến Mỹ. Suốt những ngày bấn loạn tưởng chừng không lối thoát, Huấn rời Sài Gòn, ra đây làm lại từ đầu, để rồi anh nhận ra mình đang trốn chạy khỏi thành phố ngột ngạt ấy để sa vào một khung trời nhung nhớ khác của Linh và anh, ngọt ngào và say đắm. Huấn lấy nhà hàng làm niềm vui, tay nghề vững, khách đông, đủ dư mua một căn nhà nhỏ nằm sâu trong hẻm.
Mỗi đêm, dì Hai nằm võng, chong đèn chờ bước chân con ngoài đầu hẻm. Dì lấy khăn sạch để ngoài phòng tắm, mở đầy bồn nước nóng, kêu Huấn đi tắm, ngâm chân cho bớt mỏi sau một ngày đứng nấu bếp. Dì giở lồng bàn, hâm lại tô canh, chén cá, hai mẹ con ngồi lua vài hột cơm dằn bụng, nói vài câu cho vui cửa vui nhà. Ăn xong, anh đánh răng, chui vô phòng ngồi lặng lẽ. Dì gõ cửa, bưng cho con ly trà sen an thần cho dễ ngủ.
Huấn ngồi trong phòng, tối om, vỡ vụn. Anh muốn thét cho vỡ tung lồng ngực rộng, giải tỏa hết sự bức bối, tù túng trong tim. Anh muốn gục vào vai ai đó, khóc một lần, chỉ một lần thôi cho hết dỗi hờn, thương nhớ. Nhưng chẳng bao giờ anh khóc bởi chẳng muốn má thấy mình yếu đuối. Để rồi những giọt nước mắt lặng thầm chảy ngược thẳng vào tim.
Có những ngàn đêm âm thầm như thế…
6.
Ánh nắng cuối ngày rủ nhau xa rời thành phố. Mặt trời chìm sâu về phía đảo xa. Hải âu quang quác tìm bầy trên con sóng bạc. Sóng biển nhè nhẹ vỗ bờ, dìu dặt. Vài khách nhàn du, lãng mạn ngồi bên nhau dưới gốc dừa, tay đan chặt, ngả đầu lên vai tình tứ. Đá tan, ly cà phê rất đầy, gợn sóng. Linh liếc nhìn điện thoại. Cô gọi nhân viên tính tiền. Huấn cười, để anh trả, đâu có nhiều nhỏi gì đâu.
Linh đứng dậy, muốn nói vài lời với Huấn, có thể là một lời xin lỗi về chuyện ngày xưa, cũng có thể là một lời thở than mong anh tha thứ, hay đơn giản, chỉ là một lời nồng nàn ấm áp, để anh cười thiệt tươi, không phải ánh mắt buồn và cái nhếch mép lạnh lùng, bất cần nhưng khắc khoải đó.
Linh gật đầu chào, gượng cười, em về, hôm nào rảnh, mình gặp nhau nhen.
Cô quay bước bỏ đi.
Huấn xô ghế, đứng dậy.
Nghe tiếng ghế va mạnh vào thành bàn, Linh quay lại.
Huấn buông thõng tay, mấp máy môi, thầm thì như một lời đề nghị. Giữa tiếng gió cuối ngày hòa với sóng biển từ khơi xa thổi xạc xào qua tàu lá dừa cao vút, chen lẫn giọng nói cười của khách chung quanh, tiếng anh như trận mưa trái mùa chảy tràn qua vùng đất khô cằn, sỏi đá, nhưng sao Linh nghe như một lời trách móc, chua chát, đắng ngắt, tê tái ở đầu môi.
– Về đi Linh!