Ghiền Cà Phê / Uống cà phê / ĐỌC – HIỂU MENU QUÁN như Barista
ĐỌC – HIỂU MENU QUÁN như Barista
Việc khó nhất với mình lúc mới bắt đầu tập tành cà phê chính là gọi món ở quán.
Vào quán nào vắng vắng một xíu thì còn may, chứ đứng ngay quầy bar chọn món trước cặp mắt chuyên gia của bạn pha chế và một hàng người nôn nóng phía sau, thì đến thở cũng không có thời gian.
Nhìn và cái menu chi chít chữ, hình ảnh thì nghệ thuật lung linh, miêu tả thì rối rắm vời toàn thuật ngữ chuyên ngành, trán vã mồ hôi là còn nhẹ, chân tay run, miệng lắp bắp thì vẫn còn bình thường chán.
Cho nên, lúc đó mình hay đọc một cái tên nào đó bất kỳ mà mình thấy được trong menu (và phải quen miệng nữa nha, như La-tê, Ca-bu-chi-nô, chứ phát âm sai, là ăn ngay thau nước lạnh: Anh gọi món gì? À Mo-ca ạ?). Hệ quả thì chắc mọi người đều có thể tưởng tượng được, đa số lần, mình sẽ bỏ lửng tách cà phê “nhạt nhẽo, đắng nghét”.
Sau rất nhiều lần, rất nhiều lần chấm mồ hôi trên trán, uống thuốc trợ tim và thay quần áo ướt thì mình xin giới thiệu bí thuật:
ĐỌC – HIỂU MENU QUÁN như Barista
Menu quán cà phê tại Việt Nam thường sẽ chia là 3 hoặc 4 khu vực.
Tập 1. KHU VỰC CÀ PHÊ VIỆT NAM
Do đây là bài viết tổng hợp kinh nghiệm của mình và đương nhiên là dành cho tất cả mọi người, nên nếu phần này quá đỗi quen thuộc và bạn có ít thời gian thì có thể chuyển đến Khu vực 2: Cà Phê Ý nha. Mà thôi đọc hết luôn đi vì phần 2 phải đợi tập 2 mới có. :))
Đôi khi sẽ được gọi fancy hơn (Cà Phê Truyền Thống, Cà Phê Ta,…), nhưng dù là gì thì mấy món này thường nằm ở đầu menu, nhỏ xíu vì thường rẻ hơn phần còn lại.
Bao gồm một số món tiêu biểu sau
CÀ PHÊ PHIN:
Dành cho quán có khách hàng đứng tuổi một tí vì gọi cà phê phin tức là bạn phải chờ đợi hoặc những quán đã có thâm niên lâu đời.
Cà phê sẽ được phục vụ ngay sau khi châm nước vào phin và thường kèm đường, sữa, một ly đá.
Cái thú vị của phê phin chính là khoảng thời gian từng giọt cà phê nâu sánh chậm rãi rơi xuống cái tách nhỏ mang theo hàng trăm câu chuyện “công ăn, việc làm”.
Thứ thức uống này quen thuộc quá độ nên chẳng cần miêu tả. Hương vị đậm đà, nồng nàn của cà phê vừa mới chiết suất, uống dễ ghiền lắm nha.
Những món gọn gàng từ cà phê phin:
CÀ PHÊ ĐÁ.
Có một số quán gọi là cà phê đen, hay đen đá nhưng do mình không thích dùng từ đen để miêu tả cà phê.
Cà phê đá y như tên gọi chỉ gồm có cà phê pha phin được thêm một tí đường (một số quán để đường riêng bên ngoài) cùng đá viên.
Món này thường dành cho cánh mày râu, đô mạnh, thích vị đắng và hương thơm mãnh liệt.
CÀ PHÊ SỮA VÀ BẠC XỈU:
Được mệnh danh là cà phê quốc dân vì hễ là người Việt, thích cà phê thì không thể chưa từng uống qua cà phê sữa hay bạc xỉu.
Cà phê và bạc xỉu chắc chắn khác nhau nên tên mới khác nhau. (Nêu muốn tìm hiểu kỹ hơn thì tìm lại bài “BẠC XỈU CÓ PHẢI CÀ PHÊ SỮA?” nha). Đều được pha chế từ cà phê và sữa,chỉ thay đổi liều lượng nhưng hai món lại mang đến những trải nghiệm rất khác biệt. Đậm đà, nồng nàn thì phải là phê sữa, ngọt béo, hương cà phê thoang thoảng dịu dàng thì chắc chắn là bạc xỉu.
Một số biến tấu:
CÀ PHÊ CỐT DỪA:
Gắn liền với thương hiệu của Cộng Cà Phê, cà phê cốt dừa mang đến một tách smoothy dừa ngọt béo, thơm phưng phứt mùi “Bến Tre”, còn một cup cà phê “cốt” đậm đà ở phía trên.
Không biết cách uống như nào mới đúng. Có nhiều bạn nói phải khuấy đều cả ly, cho cà phê và dừa hòa quyện vào nhau, khi ấy ngụm nào cũng ngập đầy hương thơm cà phê và cái beo béo của dừa. Nhưng có nhiều bạn bảo là phải thưởng thức từ từ, tuyệt kỹ là nằm ở cái muỗng và động tác tay linh hoạt. Thường cà phê sẽ được rót lên trên phần smoothy, nên cứ dùng mắt tinh tường lựa chọn khu vực yêu thích, múc lên một muỗng, lúc ít, lúc nhiều cà phê để khẩu vị được thay đổi liên tục mới là cái thú vị.
CÀ PHÊ TRỨNG:
Này là món trứ danh của những hàng quán Hà Nội vì hương vị đặc biệt, thơm béo khó quên. Trứng được đánh bông lên như cách làm bánh bông lan, cùng đường sữa theo ý thích và sau cùng là thêm tí cà phê vào. Món này dùng nóng mới ngon, vì cái béo thơm của trứng chỉ ngon nhất khi ấm nóng (nguội sẽ tanh ấy mà), giữ khí trời lành lạnh, thì cái thơm thơm, ngậy ngậy của trứng, cái phảng phất đăng đắng của cà phê làm con người ta dễ dàng say đắm.
Cà phê đá xay: Sinh tố cà phê sữa.
Cà phê sữa tươi: lượng cà phê nhiều như cà phê sữa như thay thế hoàn toàn sữa đặc bằng sữa tươi.
Còn một số món nữa nhưng mình không nhớ tên hết. Nếu các bạn có thắc mắc thì cứ comment, mình sẽ tìm hiểu và giải đáp cùng các bạn nha.
Tập 2: Khu Vực Cà Phê Ý, này mới có nhiều cái để nói nè, nhiều cái lần tưởng nữa, nên đợi tí, mình viết cho thật hoàn chỉnh nha.
Photo: Sưu tầm